Tác phẩm đạt giải nhất Hạng mục: Xã luận – Cuộc thi Let’s On Air 2013 – Chủ đề: Sự Vô cảm
“Sống chậm lại… nghĩ khác đi…và yêu thương nhiều hơn…”
Câu nói tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng hỏi thế gian, có mấy ai làm được?
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống hối hả ngược xuôi đầy trắc trở, ta sẽ nghĩ cho mình hay là cho những người xung quanh?
Khi cơ hội đóng sầm cửa lại trước những mảnh đời bất hạnh, liệu ta có luôn sẵn sàng đưa bàn tay cho một ai đó nắm?
Nhiễu
Ngày nay, những thông tin về sự vô cảm được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng và diễn đàn. Người ta đua nhau giật tít về các vụ việc như “Clip sự vô cảm của con người gây chú ý Internet tuần qua” hay “Bệnh vô cảm: kết quả lối sống thực dụng thời hiện đại”…Thế nhưng, chính bản thân những người viết, đăng bài lên và rồi cũng “vô cảm”, không thể đưa ra một ngọn nguồn hay lối thoát cho vấn đề mà mình đề tên.
Nếu cuộc sống là một chiếc ti vi, mỗi cuộc đời là một chương trình truyền hình, thì mỗi con người vừa là khán giả song cũng lại là một diễn viên đóng trong chương trình ấy. Khi người khác nhìn ta qua lăng kính của họ, họ đang xem ta diễn. Khi ta nhìn người khác cũng vậy, ta xem họ diễn. Nhưng điều quan trọng là, mỗi chúng ta đều đang “diễn” trong một chương trình mà đạo diễn là bàn tay tạo hóa, kịch bản do số phận viết nên và kết thúc vẫn còn là ẩn số.
Khi ta xem các chương trình trong chiếc ti ti ấy ở vai trò khán giả, ta có thể cười, có thể khóc và cũng có những phút giây chạnh lòng, hồi hộp, hoảng sợ, lo âu và có thể là sự đồng cảm, xót thương cho số phận của các nhân vật. Nhưng mặt khác, có đôi lúc bận rộn với công việc, ta phải bỏ dở dang một chương trình đang xem hay xem nhiều chương trình cùng lúc dẫn đến việc không hiểu hết những gì mình đã và đang xem. Cũng có những khi, ta xem một chương trình cùng với những khán giả khác, ngườita cảm thấy chương trình ấy hay và cảm động, nhưng ta thì không, hoặc ngược lại. Điều đó đã nói lên rằng, mỗi con người khác nhau về suy nghĩ, quan điểm nên không thể lúc nào cũng cảm nhận giống nhau. Thế nên, sự vô cảm, đối với mỗi người cũng hiện hữu với những mức độ khác nhau và mang nhiều ẩn chứa sâu xa không phải ai cũng hiểu. Và chính điều ấy đã làm nên những đợt sóng dư luận trong xã hội, khi ngày qua ngày, càng có nhiều những kẻ thờ ơ và hờ hững trước mọi việc xung quanh, những người cứ đi và cặm cụi trong lầm lũi “cào bằng”, “bình hóa” cuộc đời với tinh thần “được” không vui và “mất” không buồn.
Nhưng, khi ta ở trong chiếc ti vi với vai trò diễn viên cho chính chương trình mang tên “cuộc đời” mình, thì mỗi chúng ta – mỗi con người, lại khát khao đến tột cùng và thèm khát đến cháy bỏng sự quan tâm và chú ý từ khán giả. Ta muốn được yêu thương. Ta muốn được thấu hiểu. Ta muốn được sẻ chia. Ta muốn được tiếp thêm niềm tin, hy vọng. Và ta muốn… Cứ như thế, ai cũng muốn hét lên thật to cho cả thế giới nghe thấy rằng “Hãy xem tôi diễn”, nhưng rồi cũng lại quên mất việc đến xem buổi diễn của những người xung quanh.
Đã có bao giờ bạn tiếc nuối khi bỏ lỡ một chương trình ti vi yêu thích? Cảm xúc ấy chỉ khiến bạn khó chịu và bứt rứt một ít, nhưng hãy nghĩ khác đi…Nếu bạn đang tham gia một chương trình cần có nhiều khán giả và tất cả những người quan tâm, yêu thương bạn, không một ai đến xem bạn cả, khi ấy cảm xúc của bạn sẽ thế nào? Bây giờ, hãy thử nhìn lại mọi việc bằng lăng kính của người xung quanh và thay câu hỏi bỏ lỡ chương trình ti vi bằng một câu hỏi khác: “Bạn đã bao giờ bỏ lỡ điều gì vì sự vô cảm của bản thân?”
Nhiễu. Thật vậy, khi suy nghĩ về sự vô cảm thì nhiễu loạn cảm xúc là một điều khó ai tránh khỏi. Nhiễu sóng ti vi khi có quá nhiều kênh, nhiều tần số, nhiều chương trình. Cảm xúc của con người cũng thế. Nhiễu sóng cảm xúc vì không bắt đúng được tần số tình cảm của những người xung quanh, dẫn đến việc mất sóng và các chương trình đều mất hình ảnh, mất âm thanh… khiến người xem bị mất cảm xúc. Rồi mặc thời gian trôi, cánh cửa vô cảm mở rộng và lan dần từ ti vi nhà này sang nhà khác, cả khu phố mất sóng, toàn xã hội chỉ là những thước phim trắng đen vô hồn, không một chút sắc màu sáng tươi…
Bản giao hưởng lệch âm
Một tầng lớp người đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sự vô cảm, đáng buồn thay, lại là một bộ phận giới trẻ – những con người mái đầu vẫn còn xanh mà tim như đã xám. Những con người lẽ ra phải căng tràn nhựa sống, phải ôm ấp đam mê nóng bỏng, phải chân thành khát khao dâng hiến tuổi xanh và sức trẻ ấy, giờ đây, lại đắm mình trong một thế giới quá đa chiều của một loạt những âm hưởng thăng trầm trong xã hội. Và hệ lụy tất yếu là những nạn nhân ấy trở thành một nốt nhạc đã hỏng, bị đặt sai chỗ trong khuôn nhạc và kết hợp không đúng những hợp âm…Tất cả đã tạo nên một bản giao hưởng không hài hòa hay nói đúng hơn là một sự đồng vọng ngược chiều của “âm thanh cảm xúc”.
Nguyên nhân của vấn đề trên là do ngày nay, giới học sinh sinh viên bị áp lực từ việc học tập và trau dồi kỹ năng đè nặng. Những tâm hồn mới vừa ướm chân bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời đã bị những mong mỏi của gia đình, kỳ vọng của xã hội, hoài bão của bản thân đè nén và vùi dập. Hằng ngày, hàng giờ các bạn trẻ đến trường, đối mặt với công việc học tập. Khi về nhà, đối diện với việc gia đình. Một số còn phải làm thêm để trang trải học phí. Một số phải từ bỏ ước mơ và đam mê để tiếp tục cuộc sống, một số phải đi theo những con đường vòng vèo, chùng chình lắm chông gai hơn những người khác… Thế thì, liệu những con người trẻ ấy, có còn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết rực cháy được hay không?
Đừng phán xét một bạn nam sinh viên đi xe buýt không nhường chỗ cho một phụ nữ, nếu như ta không biết con người ấy vừa thức suốt đêm rửa chén cho một nhà hàng, kiếm tiền trang trải học phí và tranh thủ nghỉ ngơi trên tuyến xe này, trước giờ đến trường vào phòng thi. Đừng chỉ trích một nữ sinh ngoảnh mặt làm ngơ trước bàn tay chìa ra từ một cụ già ăn xin nơi bến xe, nếu như ta không biết gia đình bạn ấy cũng đang chật vật túng quẫn vì tiền nhập viện cho người cha trụ cột gia đình, hay đứa em nhỏ mang căn bệnh hiểm nghèo. Đừng phê bình những thanh niên có cuộc sống no đủ về vật chất mà không biết làm từ thiện cho những người xung quanh, nếu như ta không biết các thanh niên ấy sống trong một gia đình bất hòa và ly tán, thiếu thốn tình yêu thương và tâm tư đang hoang mang trầm uất.
Đừng. Đừng bao giờ. Đừng bao giờ như thế. Đừng vội vã đánh giá và cũng đừng chỉ xem xét những gì xảy ra trong hiện tại. Giới trẻ ngày nay vô cảm chăng? Câu trả lời là: có nhưng không phải tất cả. Bởi vì như nhà văn Nam Cao đã viết “một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”
Lặng một giây
Vì cuộc đời là những chuyến đi, liệu ta có can đảm đi theo lộ trình của riêng mình?
Đa số mọi người, ai cũng muốn mỗi khi nhìn lại những chặng đường đã đi, những miền đất đã qua đều có thể tự hào nói với chính mình và người khác rằng: Đó là tôi của một thời xa ấy, đã sống hết mình và cháy với đam mê, đã đi, đã yêu, và đã gặp… Đó là tôi trong những con người ấy, đã cùng in những dấu chân tuổi trẻ và đem lòng san sẻ những yêu thương… Đó mới chính là tôi…
Muốn được như vậy, thì ngay từ khoảnh khắc này, các bạn trẻ hãy “thay thái độ, đổi cuộc đời” bằng cách ngăn chặn những tháng ngày vô cảm đến với mình và những người xung quanh. Hãy lặng một giây, và suy nghĩ…
Bạn có biết sáu điều mà con người nên làm khi còn trẻ là gì không?
Một, là trải nghiệm cuộc sống thời sinh viên tươi đẹp một cách trọn vẹn nhất có thể, để khi về già không phải hối tiếc những năm tháng đã sống hoài sống phí.
Hai, là tìm kiếm một sở thích để tự mang đến niềm vui cho chính bản thân mình.
Ba, là chụp thật nhiều ảnh để lưu giữ những nụ cười, những giọt nước mắt … những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bốn, là đi. Đi để biết nhiều hơn, thấy nhiều hơn, nghe nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, nhớ ai đó nhiều hơn và… đi để yêu nhiều hơn.
Năm, là ngưỡng mộ một ai đó. Một ai đó có thể bình thường trong mắt người khác, nhưng với bạn, họ là cả thế giới.
Sáu, điều cuối cùng, là hãy thử ít nhất một lần trong đời, làm mà không suy nghĩ. Hãy liều lĩnh nắm bắt một cơ hội bất ngờ. Hãy thử một lần buông thả để trôi theo sự xô đẩy ngẫu nhiên của số phận. Hãy một lần vượt qua giới hạn của bản thân. Hãy một lần, phạm sai lầm – vấp ngã để rồi tự mình đứng lên và bước tiếp. Bằng cách này, ta sẽ có được một bài học kinh nghiệm thực tiễn đáng nhớ, sẽ tự mình trưởng thành qua hành động, tự mình vươn lên trong khốn khó. Để một mai nhìn lại, ta có thể ngẩng cao đầu nhủ rằng: tôi, đã lớn lên theo cách riêng như thế…
….
Lặng một giây.
…
Nếu mỗi con người chúng ta có thể làm được những điều trên thì kẻ thù vô cảm ắt hẳn sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Thế nên, khi cảm thấy cô đơn, hãy lặng một giây và nghĩ đến người khác để biết rằng mình không cô độc.
Khi cảm thấy đớn đau và tuyệt vọng, hãy lặng một giây và khóc để biết rằng có người sẽ bên cạnh, nắm chặt bàn tay ta.
Khi cảm thấy vui và hạnh phúc, hãy lặng một giây cùng cười và chia sẻ để lan tỏa niềm vui ấy cho tất cả mọi người.
… Khi cảm giác rằng sự vô cảm đang cận kề hiện diện giữa con người với nhau, mỗi chúng ta, hãy nhớ rằng tất cả những gì mình cần là lặng một giây… lắng nghe để hiểu… và lặng một giây… nhìn lại để yêu thương….
Lê Thị Kim Thơ
Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II