Có bao giờ bạn tự hỏi, Tết là gì?
Tết… là những ngày nghỉ dài không cần lo nghĩ?
Tết… đơn thuần kỉ niệm một năm đã qua và cầu chúc an lành một năm mới đến?
Với tôi, tết giản dị là khoảng thời gian vừa đủ để ta có thể nhìn lại tình cảm của mình sau bộn bề công việc đã qua. Cuộc sống ngắn, ước vọng nhiều, tiếng tích tắc mỗi ngày dường như chưa đủ. Ông bà ta có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Cha mẹ, đấng sinh thành kính yêu cho chúng ta vóc dáng, nuôi ta lớn khôn. Cha mẹ sẵn sàng những năm đủ đầy để đổi lấy cho con một giờ hạnh phúc. Có nhà thơ đã viết “con dù lớn vẫn là con cuả mẹ – đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Tết , trước hết là ngày lễ tình thân. Sau, là nghĩa tình tôn sư trọng đạo.
Ba ngày Tết, người ở lại, người đi xa, ai cũng mong nhớ một con tàu chở yêu thương về gia đình. Thế nhưng, mấy ai còn nhớ lời dạy bảo của thầy cô xưa, mấy ai còn đến thăm thầy? Con người sinh ra cũng như một viên ngọc thô chưa được rèn giũa. Và giữa cuộc đời, thầy xuất hiện như người thợ ngọc cần lao, gạt bỏ khiếm khuyết, uốn nắn thành hình. “Không thầy đố mày làm nên", chính thầy cô là người cho ta hiểu biết, giúp ta định vị được cuộc đời trong tương lai. Nếu bạn bảo rằng bạn rất bận? Bạn bảo rằng rất nhiều việc để nhớ nên đã quên? Tôi nhớ dân gian có câu chuyện rằng có một vị tể tướng nọ, con người trên vạn người dưới một người, nhưng đến mỗi mùng ba tết, ông vẫn cởi áo mũ đến thăm thầy xưa. Người luôn hiểu rằng loài cây còn có gốc rễ huống chi con người…
Quãng đường học sinh tôi đã đi qua với biết bao mộng mơ, có khi phải bước chậm hơn, có khi gặp ngã ba, dừng lại, ngập ngừng. Thầy cô là người đã nắm tay đưa tôi đi, từng chút một, từng chút một… Thật hạnh phúc vì tuổi thơ tôi đi qua cùng những con người như Đuy-sen ở ngôi làng có hai cây thông ấy. Con đường tôi đi học có những hàng thông reo rì rào như buổi chiều ở Kurgan và thầy đến, cầm bàn tay tôi nắn nót từng con chữ. Thầy truyền cho chúng tôi cảm hứng, việc học đơn giản là khám phá, mỗi ngày lại thêm điều mới mẻ. Lần nào cũng vậy, thầy nhắc nhở rằng : “các con hãy nghi ngờ, vì không có điều gì là tuyệt đối”. Lời nói ấy khiến buổi học nào cũng sôi nổi, buổi học nào cũng trở thành buổi tham quan, thám hiểm: đào sâu, tìm tòi và phát hiện.
Mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh tôi gửi lại nơi ngọn đồi, lấp lánh hình ảnh của thầy cùng những khát khao, cây bút, viên phấn, bảng đen… tất cả. Rồi bước lên phổ thông, những kí hiệu, những công thức hóa học đốt cháy thời gian rong ruổi. Nhớ lắm những buổi học bài tập chưa thông, thầy ở lại cùng chúng tôi quên mất cả bữa ăn. Nhớ buổi sáng trời đầy sương, thầy nhẹ nhàng bảo : “Nhớ đội mũ vào mà đi học, thi cử sắp đến nơi, bị bệnh thì biết làm sao?” Ôi biết bao là kỉ niệm!
Tuổi học trò bao chuyện rắc rối, khó gỡ, thầy trở thành nhà tư vấn tâm lí tuổi teen. Những ngày buồn, trốn một mình lên sân thượng khóc òa nức nở, mờ mịt con đường trước mắt. Khi ấy, thầy là người bạn lớn giúp tôi lau đi màn sương phía trước, chỉ con đường hiện ra, không đầy hoa hồng nhưng cũng không phải chỉ có gai.
Những buổi chiều tháng 5 ôn thi đại học với biết bao kỉ niệm. Hoa phượng và cả những cây bàng lá đỏ thay nhau rụng ngập kí ức… Xe đạp làm những vòng quay đẹp đẽ trên sân trường sau mưa. Chúng tôi chơi đùa ở phía ấy, cái nơi mà thầy vẫn hay nhìn về, nơi có đàn bồ câu đậu dưới gốc xà cừ. Tôi vẫn hay gọi đó là đàn chim tìm đường. Chúng đến, nghe lá xì xào rào rạt, rồi lại bay đi… Không lâu đàn chim khác lại đến, và vút bay, như một quy luật : “Cuộc đời thầy là một dao động tuần hoàn.”
Ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, cảm giác choáng ngợp và trống vắng. Thèm lắm một lời khuyên chân thành… Thèm lắm một lời nhắc nhở… Người ta vẫn hay quan niệm rằng thầy cô ở trường đại học thì không giống cấp 3. Không quan tâm, không có nhiều tình cảm với sinh viên. Trải qua một kì đại học, tôi nhận ra rằng muôn đời thầy vẫn là thầy theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy quan niệm sống của mỗi người là khác nhau, cách xử sự cũng khác nhưng chung quy, với tôi, những giảng viên đứng lớp đều giảng dạy với cả tấm lòng.
“Mùng ba tết thầy”. Thăm lại thầy cô cũ, có lẽ nhiều bạn còn băn khoăn nên mua quà gì. Nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho mình món quà đắt tiền, thậm chí là các phong bao, phong bì. Có lẽ, những ý nghĩ thực dụng như vậy đang làm mất đi ý nghĩ của những ngày tôn sư trọng đạo của con người Việt Nam. Quà có thể có nhiều hình thức, nhưng món quà nào thật sự chân thành, xuất phát từ lòng biết ơn thì mới có ý nghĩa với thầy cô. Tôi nhớ những ngày Tết năm ngoái, hạnh phúc làm sao khi được quay quần bên thầy cô và bạn bè cũ, cùng đánh đàn, nấu một ít thức ăn nhẹ và ôn lại kỉ niệm xưa. Điều quan trọng nhất là sự trân trọng của học trò đối với tấm lòng thầy cô, với những kiến thức đã được truyền đạt. Có lẽ, được tận mắt chứng kiến những đứa con của mình lớn lên, vận dụng những kiến thức mình đã dạy vào cuộc sống và sống vững vàng, trưởng thành hơn, đó mới chính là món quà lớn nhất!
Việt Trinh
S Communications
www.UEHenter.com