Tin Vào Ước Mơ, Bạn Có Dám?

Nếu đi qua các cung đường ở quận 10, quận Tân Bình, ắt hẳn các bạn đã từng nhìn thấy những xe bánh mì buổi sáng với màu cam bắt mắt mang thương hiệu “ Bánh Mì Má Hải”. Có thể nói tuy  mô hình hoạt động khá đơn giản nhưng với chất lượng sản phẩm ổn định cũng như phong cách phục vụ chuyên nghiệp, bánh mì Má Hải đã nhanh chóng tạo được niềm tin ở khách hàng. Chỉ sau hơn 3 năm phát triển ,bánh mì chả cá Má Hải đã có hơn 20 xe đẩy bánh mì đang hoạt động ổn định cũng như đầu tư phát triển cơ sở sản xuất cung cấp nguyên liệu cho các đối tác nhượng quyền tại các tỉnh thành khắp cả nước. Ông chủ trẻ của chuỗi hệ thống, giám đốc công ty cổ phần Hallo là anh Hồ Đức Hải – một cưụ sinh viên K36 trường Đại học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh. Chính ước mơ, hoài bão cùng với nghị lực phi thường đã giúp anh Hải có được sự thành công như hiện nay.

Ngọn lửa hoài bão thôi thúc từ những ngày đầu khởi nghiệp

Là sinh viên của ngành quản trị kinh doanh, cộng với những lần trải nghiệm qua nhiều hoạt động kinh doanh nhỏ để gây quỹ từ thiện trong các hoạt động đoàn hội, có thể nói “ máu kinh doanh” luôn tồn tại trong anh :  

“Nó thôi thúc anh phải làm một cái gì đó, trước hết là để tự nuôi sống mình, sau đó nếu có cơ hội có thể phát triển nhiều hơn trong tương lai.”

Trong một dịp tình cờ, anh nảy ra ý tưởng về việc kinh doanh bánh mì – một món ăn gần gũi quen thuộc với các bạn sinh viên. Hơn nữa, ở Vũng Tàu quê anh lại có món chả cá nóng nổi danh. Thế là hai ý tưởng kết hợp với nhau để hình thành nên món bánh mì chả cá. Sinh viên chẳng có gì nhiều ngoài nguồn vốn hai triệu đồng, nhưng có lẽ chính ngọn lửa hoài bão mới là điều làm anh rạo rực, thôi thúc anh phải làm và làm để có thể thỏa lấp ước mơ kinh doanh của mình. Nguồn vốn hai triệu, lời động viên từ bạn bè cùng ước mơ chính là hành trang trên con đường khởi nghiệp ban đầu của anh.

Con đường mơ ước không phải lúc nào cũng bằng phẳng

Thật vậy, con đường chinh phục ước mơ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Những sự vấp váp khi thiếu kinh nghiệm cũng như những câu nói của người thân, người xung quanh có lúc tưởng như vùi lấp hết đam mê của anh. Những lời nói của gia đình hiện tại vẫn còn in đậm trong trí nhớ của anh:

“Thứ nhất con là sinh viên Kinh Tế, thứ hai học cũng tương đối tốt mà tại sao lại không tập trung vào công việc học để sau này ra trường tìm kiếm được những công việc nào đó tốt hơn, các bạn có thể làm trong môi trường  năng động hơn, lương cao hơn, khỏe hơn?”

“Thôi bỏ đi con, thôi đừng làm nữa, làm cái khác đi, tập trung vào học đi”.

Dường như với mọi người xung quanh, việc anh làm không phải là khởi nghiệp, là kinh doanh  mà chỉ như một công việc vất vả, bình thường hoặc thậm chí là tầm thường. Rồi còn những khó khăn thứ nhất về kinh nghiệm về quản lý, thứ hai là về kinh nghiệm chuyên môn vì anh chưa bao giờ học làm bánh mì, cái thứ ba là thời điểm đó anh cũng chưa có nhiều mối quan hệ để người ta hỗ trợ. Mặc dù khởi điểm bắt đầu làm rất tự tin, nhưng khi làm được một vài hôm thì tinh thần xuống dốc và thời điểm đó anh bắt đầu chán. Để vượt qua quãng thời gian đó thật không dễ dàng, anh chia sẻ một cách chân thật:

“Khi tình huống đó xảy ra mình luôn tìm kiếm những anh chị, hoặc thầy cô, hoặc là những cô chú trong gia đình, những người mình cảm thấy mình tin tưởng, mình hỏi người ta, và người đó sẽ cho mình những lời khuyên, cho mình câu trả lời, và mình sẽ luôn làm theo những phương án đó.”

Chính niềm tin, hoài bão và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã chứng minh cho mọi người xung quanh thấy điều ngược lại: công việc ngày càng phát triển ổn định, thương hiệu cũng ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.

Hãy để ngọn lửa mơ ước dẩn đường cho bạn :

Tìm hiểu về câu chuyện của anh, ta thấy rõ nhất chính mơ ước mới là tài sản quý giá nhất dẫn anh Hải đến thành công như hiện nay.

Anh cũng từng khuyên các bạn sinh viên:

“Nếu thật sự khao khát muốn làm, thì sẽ tìm cách, còn không sẽ chỉ tìm những lời biện hộ”.

Theo anh, thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu là thời điểm mà bạn phải thấy được tư duy của mình thay đổi, thấy được sự khao khát, rạo rực trong lòng mình muốn làm một cái gì đó. Ngay thời điểm đó các bạn nên bắt tay vào làm rồi trong quá trình làm như vậy thì các bạn sẽ gặp những cái khó khăn, và những khó khăn đó thì các bạn nên liên hệ các anh chị, hoặc là tìm kiếm những cái cộng đồng, những  nhóm có cùng mục tiêu với mình để có được sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Còn với những bạn sinh viên có ước mơ nhưng lại lo sợ, sợ sự đánh đổi, sợ thất bại thì theo anh điều quan trọng nhất lúc này là các bạn cần phải vượt qua nỗi sợ của chính mình vì : “Chỉ khi nào bạn dám nhấc chân ra khỏi vùng an toàn của mình thì khi ấy bạn mới đặt hết tâm trí, dốc 100% sức lực để theo đuổi nó”

Bạn nên tìm kiếm những người mà bạn tin tưởng để họ giúp bạn đánh giá, hỗ trợ, thẩm định cho các bạn cái mà  bạn đam mê có thực sự phù hợp với bạn hay không. Nếu nó phu hợp thì họ sẽ hướng dẫn cho bạn biết nên làm thế nào để đi con đường đó một cách tốt nhất. Sự thất bại không phải là dấu chấm hết.

Bạn có thể thất bại vì “chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều trải nghiệm, các bạn cũng chưa có nhiều kiến thức, nhưng các bạn hơn ở chỗ, các bạn đã dám làm, đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của các bạn để các bạn hành động, đó là một điều hết sức là tuyệt vời. Còn thành quả của nó chẳng qua chỉ ghi nhận lại những nỗ lực của các bạn”

Để đạt đến ước mơ, bạn cần gì?

Theo kinh nghiệm của anh Hải, các bạn sinh viên thuộc hai nhóm trên khi ra trường thường đạt được nhiều thành công. Nhóm thứ nhất là những bạn thường xuyên tham gia vào hoạt động Đoàn hội của lớp, của trường. Nhóm thứ hai là những bạn đi làm thêm khá nhiều. Cả hai nhóm sinh viên trên được khá nhiều lợi ích khi một mặt vừa có thể để các bạn tham gia lớp học này, gặp gỡ người này người kia, tham gia những cái hoạt động này hoạt động kia, các bạn tìm được đam mê của các bạn, quyết tâm theo đuổi tới cùng đam mê của các bạn. Một mặt các bạn cũng học hỏi được khá nhiều những kinh nghiệm thực tế để có thể áp dụng vào công việc sau này. Qua đó, sự nhút nhát giảm bớt, tự tin, mạnh dạn cũng ngày càng tăng lên.

Còn với những bạn sinh viên đã có mục tiêu sẵn cho minh thì nên kiên trì với mục tiêu đó chứ không phải làm ngày một ngày hai rồi bỏ quên nó. “Các bạn viết rất là nhiều ra giấy, một ngày phải như vậy, cuối học kỳ phải có học bổng, mai mốt phải đi làm như thế này, năm bao nhiêu phải có người yêu, hay là như thế nào đó, các bạn đều có mục tiêu cả. Nhưng mà các bạn không dám, có thể các bạn không có kỷ luật. Cái gọi là phương pháp thì ai cũng có!.”

“Thay vì tốn thời gian lên facebook canh Newsfeed từ sáng đến tối. Cứ nhấp đi nhấp lại, nhấp tới nhấp lui. Học bài cũng mở Facebook, ăn cơm ũng mở Facebook, đi xe, gần như lên trường các bạn cũng mở ra các bạn coi nữa, các bạn lãng phí thời gian của các bạn, giống như bây giờ các bạn bị nghiện rồi. Nếu các bạn nghiện đam mê của các bạn như nghiện các bạn đang xài Facebook thì các bạn sẽ mang thành công về. Phải nghiền kiểu như vậy đó và quyết tâm là quyết tâm phải như thế!”- Anh chia sẻ.

Những bạn nào đã có đam mê nhưng lại sợ cái thất bại ban đầu, sợ mình không đủ khả năng thì các bạn chỉ cần nhớ các bạn sinh viên, các bạn đi làm, các bạn theo đuổi đam mê của các bạn, phần lớn các bạn bất cập thời gian thôi. Các bạn được phép thử mà sai, thì mình chỉ mất thời gian thôi. Thì tại sao mình là sinh viên mình không thử để làm kinh nghiệm, thì sau này mình ra trường mình có kinh nghiệm để mình làm điều đó. Đừng ngại thử và đừng ngại thất bại!

Với những lời chia sẻ, động viên chân thành từ chính kinh nghiệm của anh Hải, các bạn đã dám tin vào ước mơ và dám sống thật với chính bản thân mình chưa? Hãy thử ngay bây giờ và chắc chắn bạn sẽ nhân được thành quả trong tương lai.

Nguyễn Hà
S Communications
www.UEHenter.com