Việt Nam và câu chuyện bệnh vô cảm

Có một khảo sát của Gallup (một hãng khảo sát Quốc tế) cho thấy, người Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về sự vô cảm đã gây nhiều tranh luận. Đưa ra một tín hiệu vậy quả như một tiếng nhói ngang tai của những nhà tâm lí học và xã hội học tại Việt Nam. Mặc cho những ý kiến trái chiều nghi ngờ đánh giá đó là thiếu khách quan và xác thực tại thời điểm xã hội biến đổi thất thường như hiện nay, chúng ta không thể thờ ơ trước một dấu hiệu tiêu cực của đất nước như thế.

Góc nhìn từ thực tiễn

Càng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những câu chuyện như kiểu “sống chết mặc bay” lại càng lan truyền nhiều hơn. Chưa bao giờ, chưa thời đại nào ở nước ta lại chứng kiến những vấn đề bức xúc của xã hội nhiều như hiện nay. Nếu kể ra, có thể Táo quân phải dâng sớ lên với Ngọc Hoàng dài cả ngàn cây số. Nói vậy, để hiểu rằng, trong một xã hội rối ren hiện tại, đất nước loay hoay với “mệnh ai ấy lo” thì không dám chắc mọi người có thể cùng nhau đoàn kết đưa đất nước đứng lên được.

Một phóng sự trên truyền hình kể lại: một cô đã luống tuổi trung niên kể về hành động can ngăn một ông chồng đánh vợ khi cô đang đi ngoài phố. Ngay khi cô chạy tới thì cùng lúc đó có một toán người cũng bắt đầu chạy theo vờ can. Trong lúc xô xát xảy ra thì xe cùng tất cả những đồ vật có giá trị của cô cũng không cánh mà bay. Ngỡ ngàng trước sự việc đó nhưng cô cũng đành bó tay vì màn kịch của tụi cướp quá tinh vi, xảo quyệt. Một mặt, chúng có một hệ thống hết sức bài bản, một mặt lòng tốt bị lợi dụng một cách trơ trẽn. Ví dụ ngắn nhưng căn bệnh thờ ơ, lãnh cảm thì quả thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

No emotions

Phải chăng vì lòng tốt bị lợi dụng quá nhiều lần nên đâm ra con người ta lại chẳng thể tin nổi nhau. Kì thực, những văn hóa tốt đẹp nhất như kiểu văn hóa phi vật thể trên TV, báo đài đưa tin cũng có thể trở thành những văn hóa biến tướng mang hơi hướng thương mại hóa, giá trị tâm linh bị thực dụng hóa thì con người ta có muốn tìm niềm tin cũng khó. Những câu chuyện lòng tốt bị lợi dụng bây giờ cũng không hiếm như chuyện về ông bà bán me ở góc trung tâm thương mại Sài Gòn Square (Q.1), như bà mẹ cõng đứa con tật nguyền tội nghiệp trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3) hay như hàng loạt cậu nhóc ốm yếu bị “chăn dắt” bởi những má mì. Chỉ ngần ấy ví dụ thôi cũng giải quyết được phần nào nguyên nhân dẫn tới vô cảm của xã hội ta hiện nay.

Vì đâu nên nỗi vô cảm này ?

Câu chuyện vô cảm bắt đầu từ việc kì thị chính những người trong dân tộc mình. Chúng ta không thể phủ nhận cái tư duy sáo mòn đã ăn tận sâu tiềm thức của những con người tự vỗ ngực ta đây là dân Bắc, kẻ Nam. Người Bắc bảo người Nam chỉ lo ăn nhậu không chịu làm, người Nam bảo dân Bắc kì keo kiệt, khó ưa. Người thì lại lớn tiếng “Dân Thanh Hóa, ăn rau má, phá đường tàu”. Đó là chưa kể đến cả trong các cơ quan, xí nghiệp người ta cũng vì xuất thân mà không cho người khác cơ hội nghề nghiệp. Thử hỏi đơn giản một điều rằng, phải chăng chỉ có người các vùng miền ở Việt Nam mới có sự khác biệt về văn hóa, lối sống còn trên thế giới thì không? Vậy mà hiển nhiên họ có thể cười nhạt và bỏ qua cho người ngoại quốc mà trong khi không thể bao dung được cho những “con rồng cháu tiên”. Vô cảm ở đây chính là bản thân mù quáng, bị lệ thuộc vào định kiến xã hội tới mức không phân biệt được xấu đẹp, không chịu hiểu rõ vấn đề để có cách nhìn khác đi.

Đứng trên khía cạnh giáo dục. Tôi thấy Trưởng ban nội các TW Nguyễn Bá Thanh đã từng nói một câu rằng: “Ở Hàn Quốc, Singapore người ta đâu có hô ‘toàn đảng, toàn quân, toàn dân’ mà họ vẫn làm tốt”. Tự cổ chí kim, ai nấy đều biết đất nước muốn yên thì phải coi giáo dục làm trọng. Những nhà giáo chẳng cần phải hô hào “lá lành đùm lá rách” hay “tương thân tương ái”. Bản thân mỗi người là một tấm gương tận tâm vì nghề, đạo đức với mọi người xung quanh cũng sẽ gây ảnh hưởng tốt đến học trò. Trong khi những giá trị mới, giải phóng con người đến với tự do nhân bản thì giáo dục đôi khi lại hướng tới nền tri thức khô cứng mà quên đi cái sứ mệnh to lớn của mình là dạy một đứa trẻ làm người. Thay vì đào tạo ra những con người có cái tư duy cá biệt thì những học sinh lại được dạy nói dối, làm dối, sợ sai và vô tình trở thành những chú rô-bốt trơ về mặt cảm xúc.

Pháp luật chưa đủ khắt khe, công an chưa làm hết được chức trách của mình. Vì vậy, để tự bảo vệ cho mình, nhiều người chọn cách vô cảm như một giải pháp an toàn. Quan trọng hơn, một người vô cảm kéo theo nhiều người vô cảm. Vô cảm như một con vi rút lan truyền từ người này sang người khách tạo thành một cộng đồng vô cảm.

Nỗi lo vô cảm

Vô cảm đang ngày càng lan truyền trong từng thế hệ của chúng ta. Vô cảm làm con người mất niềm tin vào những giá trị thực của cuộc sống, gây tổn thương lương tri con người. Vô cảm làm đánh mất sự  nhìn nhận vẻ đẹp cuộc sống, thật giả lẫn lộn, làm chết dần tấm lòng thiện nguyện trong mỗi con người.

Vô cảm trở thành một căn bệnh xã hội nghĩa là mỗi người sống với nhau hờ hững như những con rô bốt không có cảm xúc. Nói đến tính cộng đồng của xã hội, mỗi con người lại phải kết nối với nhau thành chuỗi dây chuyền, nếu không, mỗi cây mọc mỗi chỗ thì làm sao nên nỗi đất nước được.

Bệnh khó chữa nhưng không phải không chữa được

Căn bệnh vô cảm là một căn bệnh về tâm lí xã hội, đã thuộc về tâm lí thì cần có những giải pháp lâu dài đồng bộ phối hợp giữa các ban ngành và nhiều lĩnh vực.

Trước nhất là đi từ giáo dục, giáo dục là ngọn nguồn của mọi sự phát triển. Tuy nhiên, giáo dục phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Nếu giáo dục không đào tạo đúng hướng, tức cung cầu không đáp ứng được, thất nghiệp gia tăng, trộm cướp hoành hành thì việc mọi người vô cảm để tự bảo vệ mình cũng là xu hướng tất yếu.

[box type=”note” ]Vô cảm nói chung không còn là một căn bệnh của riêng ai. Nó âm ỉ trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Nó đặc biệt nguy hiểm đối với thế hệ trẻ, những “rường cột” tương lai của đất nước. Một thế hệ trẻ đang hừng hực nhựa sống, đang tràn đầy nhiệt huyết, khát khao cống hiến, lại bị căn bệnh vô cảm hoành hành, hậu quả khôn lường. Nói tới đây mới biết được tầm quan trọng trong việc tuyên truyền, khuyến khích các bạn trẻ tiên phong chống lại căn bệnh vô cảm.[/box]

Tôi, và các bạn, chúng ta còn trẻ, nhiệt huyết trong tim còn căng tràn. Hãy sống hết mình vì cộng đồng, đem tấm lòng thiện nguyện đi khắp miền đất nước. Dù thời thế còn lắm khó khăn nhưng rõ ràng, trong đầm lầy bẩn thỉu vẫn có bông sen tỏa ngát hương.

Phương Thảo
uehenter.vn
Scommunications