Chủ Nhật ngày 8/10 vừa qua, buổi Workshop: Làm gì với ý tưởng? đã mở ra một bức tranh toàn cảnh về truyền thông cũng như những kiến thức bổ ích trong quy tắc thiết kế print-ad và thực hiện các sản phẩm viral clip. Cùng nhau ôn lại những kiến thức để nhớ lâu hơn, sâu hơn về những gì đã được giảng giải nhé!
Thế giới Mar&Com muôn hình vạn trạng
Thế giới Marketing & Communications luôn muôn màu muôn vẻ và thay đổi không ngừng. Chính những sự thay đổi đến chóng mặt ấy khiến môi trường làm việc trong ngành này trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Nói về điều này, chị Phạm Thị Diệu Anh – Managing Director of AIM Academy và với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing đã có những chia sẻ vô cùng thẳng thắn: “Những bạn muốn tồn tại trong ngành phải là những người luôn muốn thách thức bản thân và không ngừng nỗ lực để thích nghi với môi trường luôn biến động từng ngày.”
Không những thế, chị Diệu Anh còn đi sâu hơn vào bức tranh toàn cảnh bằng việc phân biệt hai khái niệm “Client” và “Agency” cũng như đào sâu vào những mối liên quan “dây mơ rễ má” giữa hai mảng này. Nếu như Client là những người cung cấp dịch vụ, thì Agency sẽ là người thực thi những dịch vụ từ phía Client yêu cầu.
Để minh hoạ mối quan hệ liên kết giữa Client – Agency, chị Diệu Anh vẽ ra một quỹ đạo mà tại đó Client làm tâm, và xung quanh đấy là những Agency như: IMC Agency, PR, Event/Activation, Digital Marketing, Production House, Market Research, Media và Media Publisher. Mỗi Agency sẽ đảm nhiệm những vai trò khác nhau. Chị còn nhấn mạnh thêm: “Client và Agency, hay thậm chí Agency với Agency đều có những mối quan hệ ‘dây mơ rễ má’ với nhau để tạo nên sự thành công mỹ mãn nhất.”
Đào sâu hơn về thế giới Agency, anh Phan Hải, Strategic Planning Director of Xanh Marketing, đã có những chia sẻ rất thú vị về những câu chuyện “bi hài” ở một agency nơi anh làm việc. Trên lí thuyết, có rất nhiều quy trình làm việc với những nhánh con được thực hiện theo từng bước vô cùng phức tạp. Nhưng thực tế không hề “đơn giản” như thế!
Làm gì với ý tưởng?
Nói về chủ đề chính của buổi workshop: ‘Làm gì với ý tưởng?’, cả chị Diệu Anh và anh Phan Hải đều đồng tình với quan điểm rằng việc nghĩ ra ý tưởng vô cùng thú vị, nhưng để đưa ý tưởng đó vào thực thi lại là một câu chuyện khác. Không có bất cứ một nguyên tắc đặc thù nào cho sáng tạo cả: tất cả nằm ở tính hiếu kì, sự ham học hỏi và không ngừng mạnh mẽ để đón nhận thử thách trong cuộc sống.
Đặc biệt hơn, anh Phan Hải nhấn mạnh về vốn sống và những trải nghiệm sẽ dẫn đến những ý tưởng hay ho. Bởi một lẽ, khi trải nghiệm càng nhiều, ta có nhiều cơ hội để va chạm với những thứ đang diễn ra trong cuộc sống. Từ đó, sự nhạy cảm đối với vạn vật xung quanh trở nên rõ nét và khi đó, ta hiểu hơn về con người, trân trọng giá trị cuộc sống, biết lắng nghe và thấu hiểu và đặc biệt hơn cả là chấp nhận sự khác biệt. Khi có những kĩ năng đó, sự sáng tạo cũng từ đó sẽ được “upgrade” hơn.
Quy tắc nào cho tác phẩm Print-ad?
Sau khi được cung cấp những kiến thức nền tảng về thế giới đa màu sắc Truyền thông & Marketing, thầy Giang Vỹ Hùng – Giảng viên FPT Arena Multimedia – đã có những chia sẻ về những quy tắc cơ bản trong thiết kế cũng như cách thức để thể hiện ý tưởng của mình một cách chân thật nhất.
Print-ad và poster, hai khái niệm tưởng chừng như giống nhau lại có những điểm khác biệt nhất định. Nếu như Poster có thể dùng cho mục đích quảng cáo, nghệ thuật hoặc cung cấp thông tin, thì Print-ad lại là những quảng cáo trên báo và tạp chí được sử dụng trong mục đích thương mại.
Có rất nhiều hình thức để truyền tải ý tưởng thông qua một tác phẩm Print-ad. Là cách thức trực tiếp với thông điệp được thể hiện rõ, thương hiệu và sản phẩm dễ dàng được nhìn thấy, hay có thể là sự gián tiếp với hình thức đầy mới lạ hơn, dễ đoán nhưng vẫn độc đáo. Hay một cách thức khác thường được áp dụng là khôi hài khiến người ta bật cười sau khi xem xong nhưng thực tế lại khiến thương hiệu in sâu trong tâm trí người dùng. Và một hình thức tuy có phần ghê sợ nhưng lại có được sự hiệu quả chính là đánh vào nỗi sợ hãi của chúng ta – những print-ad kích thích lòng trắc ẩn, mang đến sự thông cảm từ phía người nhìn.
Ngoài hình thức thể hiện, typography (cách thức thể hiện từ, ngữ), bố cục 1/3, màu sắc tương đồng hoặc tương phản cũng là những yếu tố đáng lưu tâm. Bởi một lẽ, chính những yếu tố đó sẽ cùng hội tụ với nhau để mang đến sự sinh động nhưng giữ được tính hài hoà cho một tác phẩm Print-ad.
Thước đo nào dành cho Viral Clip?
Nếu như print-ad được để hiện qua hình ảnh tĩnh, thì Viral Clip lại là những chuyển động đầy thú vị của một chuỗi những hình ảnh liên tiếp. Đầu tiên và trên hết, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa TVC và Viral Clip. Nếu như TVC là một đoạn quảng cáo ngắn bị giới hạn bởi thời gian, thì Viral Clip lại là những video có thông điệp, nội dung, ý tưởng độc đáo, không bị giới hạn về thời gian và dùng cách thức lan truyền rộng rãi trên nền tảng trực tuyến.
Về cách thức thực thi những thước phim sống động trong Viral Clip, chúng ta cần phải đảm bảo yếu tố về ý tưởng (chọn lọc, phân loại, tính thiết thực và cách thức thực hiện từng giai đoạn), kịch bản (cấu trúc 3 hồi: thiết lập thế giới, phát triển câu chuyện, cao trào và hạ màn; yếu tố nghe nhìn mạnh mẽ cùng những từ ngữ cô đọng và gọn ghẽ) và đặc biệt là góc quay để thể hiện rõ rệt nhất những cảm xúc của nhân vật và cách thức truyền tải những thông điệp qua những cảnh quay xuất hiện trong đoạn Viral Clip.
Sau buổi Workshop “Làm gì với ý tưởng?”, hẳn chúng ta đã nhận được những kiến thức tổng quan nhất về truyền thông, ý tưởng, print-ad và viral clip để có thể bắt tay vào hiện thực hoá những ý tưởng sáng tạo mà ta đang ấp ủ. “Đừng cố tạo ra những câu chuyện không có thật, sáng tạo những điều phi nhân bản”. Đó là những câu chốt mà các diễn giả muốn gửi đến các bạn quan tâm đến buổi Workshop cũng như chương trình Let’s On Air 2017.
Gya Rados
S Communications
UEHenter.com