“Đừng trì hoãn!” Có thể bạn đã từng ít nhất một lần nghe qua cụm từ này. Chúng ta đều biết rằng có rất nhiều con đường dẫn đến sự thất bại và “Trì hoãn” là một trong những cách thức nhanh nhất ngăn cản chúng ta bước đến con đường thành công của chính mình. Vậy, bạn đã bao giờ tự hỏi, liệu mình có phải là nạn nhân của căn bệnh nguy hại này?
Trong tâm lý học, thuật ngữ “Trì hoãn” dùng để chỉ những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại hay chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Trì hoãn là một hành vi phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo thống kê của của Hoa Kì, có khoảng 20% những người trưởng thành đang phải vật lộn từng ngày với căn bệnh trì hoãn thâm niên. Đặc biệt môi trường đại học là nơi lý tưởng để căn bệnh này xâm nhập, lây lan và phát triển mạnh mẽ.
Khoảng 70% đến 90% sinh viên được hỏi đã thừa nhận, rằng họ gặp khó khăn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Những con số thống kê ở trên đã phần nào vén lên một bức màn ảm đạm về tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam nếu căn bệnh trì hoãn này không có dấu hiệu bị đẩy lùi.
Ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy có một sự mâu thuẫn sâu sắc giữa ước muốn và hành động. Hầu hết các sinh viên khi còn trên ghế giảng đường Đại học đã xác định được cho mình những mục tiêu, những hoài bão để theo đuổi. Thế nhưng từng ngày trôi qua, những dự định ấp ủ đó vẫn chỉ quẩn quanh trong suy nghĩ vì thiếu đi “hành động” – điều kiện tiên quyết để biến ước mơ thành hiện thực.
Bạn đã bao giờ tự mình đặt ra những cam kết, những kế hoạch phải thực hiện nhưng rồi chúng vẫn nằm mãi trên danh sách những việc phải hoàn thành? Bạn quyết tâm sẽ giảm cân để cải thiện vóc dáng, để tự tin diện những bộ đồ hợp sở thích nhưng bây giờ bạn vẫn đang nằm dài trên sô pha, ăn uống vô tội vạ và hứa một buổi tập thể dục vào sáng ngày mai? Bạn biết kì thi kết thúc học phần sẽ bắt đầu trong 2 tuần nữa nhưng bạn có bắt tay ngay vào việc ôn tập cho bài kiểm tra không? Sự thực là bạn chẳng làm gì cả. Bạn cố lừa dối bản thân rằng còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc và dù có bị deadline dí sát thì đấy cũng là một sự thuận lợi vì bạn nghĩ mình sẽ làm việc năng suất hơn dưới áp lực lớn.
Sự trì hoãn khiến bạn thường xuyên lẩm bẩm câu nói “Để mai tính” nhưng thực ra “ngày mai” không bao giờ tới và chờ đợi “ngày mai” đồng nghĩa với việc chẳng có nhiệm vụ, mục tiêu nào được giải quyết cả.
Tiến sĩ Joseph Ferrari, giáo sư tâm lý học của trường Đại học De Paul (Chicago, Hoa Kỳ), là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu hành vi trì hoãn của con người. Theo giáo sư Ferrari, những người trì hoãn có một số điểm chung trong hành vi, xuất phát từ nhận thức sai lệch của họ.
- Ước lượng sai khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành các công việc nhất định khiến họ sẵn sàng phí phạm thời gian cho những việc ngoài lề – mà bản thân họ cho là quan trọng – thay vì chú tâm vào công việc cần làm.
- Ước lượng sai khoảng thời gian còn lại để hoàn thành công việc khiến họ tự cho rằng mình luôn còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc.
- Đánh giá quá cao động lực của bản thân trong tương lai dẫn đến việc tự huyễn hoặc rằng mình sẽ có hứng thú để làm việc vào ngày mai, ngày mốt, tuần tới, hoặc thậm chí tháng tới.
- Nhầm lẫn trong việc cho rằng muốn hoàn thành tốt công việc thì phải đợi đúng lúc đầu óc tính táo nhất hay tinh thần thích hợp nhất. Làm việc mà không có hứng thú thì sẽ không có hiệu quả.
Nếu bạn thấy mình trong những trường hợp kể trên thì thật không may, bạn đã là “con bệnh” của thói trì hoãn rồi đấy!
Theo lời Joseph Ferrari, “Chúng ta có xu hướng trì hoãn một số việc trong cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả mọi người đều là những kẻ ưa trì hoãn.” Hẳn bạn vẫn nhớ cảm giác những đêm vật vã để hoàn thành bài tập, dự án kịp deadline sáng hôm sau? Những công việc bạn trì hoãn ngày này sang ngày khác và đến khi bạn ý thức được thì nó đã chất cao như núi, đè bẹp bạn trong khoảng thời gian sống dở chết dở còn lại. Mặc dù trì hoãn khiến hiện tại của bạn trông có vẻ dễ chịu hơn nhưng thực ra đó chỉ là cách bạn đánh lừa não bộ của mình. Sự thực, khi né tránh, trì hoãn một công việc phải làm nào đó, bạn không thể sống một giây phút yên thân. Bạn trì hoãn việc học ngoại ngữ để chơi game, trì hoãn bài luận để xem phim, … nhưng bạn không thể có cảm giác thư giãn, tận hưởng một cách trọn vẹn. Ngược lại, bạn sẽ thấy trong mình đầy ắp sự tội lỗi, lo lắng, thậm chí dễ dàng rơi vào trạng thái bị trầm cảm hoặc Stress. Bạn thấy đấy, “trì hoãn” quả là một thứ tồi tệ phải không nào?
Có câu nói nổi tiếng của Mark Twain mà bạn nên biết: “Nếu vào buổi sáng điều đầu tiên bạn làm là ăn con ếch, phần còn lại trong ngày sẽ rất tuyệt vời”, Twain cũng nói “Nếu bạn phải ăn con ếch thì đừng nhìn vào nó quá lâu”. Trong cuốn sách “Eat that frog”, Brian Tracy đã dùng chính những câu nói này của Mark Twain làm nguồn cảm hứng cho những nội dung chính trong cuốn sách của ông. Tracy nói rằng bạn nên lấy những điều tồi tệ nhất, bực mình nhất, khó chịu nhất mà bạn có, những điều bạn không muốn làm một chút nào, và thực hiện nó đầu tiên.
Đừng trì hoãn, hãy cứ làm việc mà bạn thấy khiếp sợ nhất. Sau khi nó đã bị đá khỏi con đường, gánh nặng đã không còn trên vai của bạn, giờ đây bạn có thể bước nhanh chóng qua những công việc còn lại trong ngày. Một khi những công việc khó chịu nhất đã không còn lởn vởn trong đầu bạn, thì đột nhiên mọi việc khác trở nên vô cùng dễ dàng.
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã nhận thức được sự trì hoãn có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến con đường thành công và hạnh phúc của chính bạn. Có rất nhiều phương pháp để trị căn bệnh trì hoãn này nếu bạn quyết tâm đánh bại nó và chịu khó tìm hiểu về những giải pháp. Vậy quyết định của bạn là gì?
Truy cập fanpage S Communications để biết thêm thông tin chi tiết về chiến dịch
Tìm hiểu ngay hay “Để mai tính”?